Trần Hoài Đức sinh năm 1966, tại làng hoa Ngọc Hà (Hà Nội). Với lòng đam mê hội họa, anh thi đỗ vào Khoa Mỹ thuật - Trường Đại học sân khấu Điện ảnh. Sau khi tốt nghiệp, anh cộng tác thường xuyên, vẽ bìa, minh họa cho Báo Nhi đồng, đồng thời cộng tác với tạp chí Thế giới Đàn ông, tạp chí Thời trang trẻ, NXB Kim Đồng, NXB Thanh niên. Năm 1997, anh trở lại trường Sân khấu Điện ảnh dạy môn Đồ họa. Song chỉ được một năm, do niềm đam mê sáng tác và kinh doanh thôi thúc, anh thôi giảng dạy, đứng ra thành lập cơ sở lấy tên là “Hoài design”, chuyên thiết kế sân khấu, trang trí mỹ thuật, thiết kế logo, thiết kế và sản xuất biển hiệu và các thiết kế đồ họa ứng dụng... Tác phẩm đáng kể đầu tiên của anh đó là Logo Cúp bóng đá Nhi đồng toàn quốc lần thứ nhất năm 1996. Cũng từ đó, anh bắt đầu chú trọng đến việc thiết kế logo, là tác giả của nhiều biểu trưng của các địa phương, tổ chức và logo, thương hiệu cho doanh nghiệp.
Hoài Đức cho biết, anh thích đi du lịch: “Những chuyến đi cho tôi nhiều xúc cảm, nhiều dữ liệu để tôi sáng tác”. Đến đầu tháng 11/2011, khi được Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm giới thiệu với TCDL, anh nhận lời mời cùng một số họa sỹ tham gia thiết kế logo Du lịch Việt Nam. Anh nhớ lại: “Lời mời của TCDL và đề tài Du lịch Việt Nam rất có sức hút đối với tôi, chứng tỏ sự trân trọng, nghiêm túc của cơ quan quản lý về du lịch. Logo được chọn sẽ phục vụ cho cả ngành du lịch, cả xã hội. TCDL với sự hỗ trợ của Ban quản lý dự án phát triển nhân lực có trách nhiệm với môi trường và xã hội (Dự án EU) đã tổ chức rất bài bản. Lần này họ không chọn các công ty thiết kế mà mời đích danh một số họa sỹ có năng lực, kinh nghiệm vì họ coi logo là sáng tạo của cá nhân. Họ yêu cầu, ra đề bài cụ thể, có một chuyên gia của dự án trao đổi giúp họa sỹ có thông tin đầy đủ và sâu sắc về Du lịch Việt Nam”.
TCDL đề ra thời gian 1 tháng song Hoài Đức đã dồn hết tâm sức trong vòng 2 tuần thiết kế 9 mẫu lô gô nộp cho TCDL. Kết quả, 4 mẫu vào chung kết đều là mẫu của anh. Hội đồng thẩm định đã góp ý để chỉnh sửa một số chi tiết, kết hợp với Slogan “Vẻ đẹp bất tận” – “Timeless charm” (Khẩu hiệu này do chuyên gia của dự án EU tư vấn) tạo thành biểu tượng của Du lịch Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015.
Theo họa sỹ Trần Hoài Đức, ở thời điểm này hoa sen gần như đã được công nhận là quốc hoa, được lựa chọn là hình tượng chính cho logo bởi nó tượng trưng cho những ý nghĩa cao quý, vẻ đẹp của non nước Việt, tâm hồn Việt. Hoa sen là hình ảnh nối tiếp của biểu tượng trước đây, khi đó mới là nụ sen với vẻ đẹp còn đang “tiềm ẩn”, hình ảnh bông sen với những cánh hoa hé nở khẳng định giai đoạn phát triển mới của Du lịch Việt Nam là giai đoạn đang tỏa hương sắc. Anh lý giải: “Số 5 là con số vua, rất có ý nghĩa, người xưa rất hay dùng, ví dụ: trời đất có ngũ hành, người quân tử có ngũ đức (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín), trong cuộc sống có ngũ phúc (phú, quý, thọ, khang, ninh; đầu năm mới ai cũng cầu mong được hưởng phúc, lộc, thọ, khang, ninh). Con số 5 thể hiện sự thăng tiến, sinh sôi… Bông sen 5 cánh với 5 sắc màu gợi sự liên tưởng về các sản phẩm du lịch. Màu xanh nước biển là màu chủ đạo, biểu thị cho du lịch biển đảo, một trong những sản phẩm du lịch chính của Việt Nam; màu xanh lá cây tượng trưng cho du lịch thiên nhiên, sinh thái; màu vàng cam tượng trưng cho du lịch văn hóa, lịch sử; màu tím tượng trưng cho du lịch khám phá, mạo hiểm; màu hồng tượng trưng cho sự năng động, lòng hiếu khách của con người Việt Nam”.
Về bí quyết sáng tác logo, anh Đức cho rằng, người sáng tác cần có bản lĩnh nghệ thuật, tay nghề vững vàng, vốn văn hóa, kiến thức về hội họa, kinh nghiệm sống và sự tìm tòi, sáng tạo một cách đam mê nhưng với tinh thần nghiêm túc và chuyên nghiệp. Còn đối với người cảm thụ, họ cũng cần có kiến thức, hiểu biết nhất định hoặc cảm thụ thế nào là do “phông” văn hóa của mỗi người. Khi họa sỹ đã sáng tạo ra và công bố tác phẩm thì nó có sức sống riêng, nó thuộc về công chúng, thuộc về xã hội, họa sỹ không thể đi theo từng cá nhân để giải thích là nó có ý nghĩa như thế nào. Trong nghệ thuật không có sự áp đặt, kể cả việc ai đó có ý kiến trái chiều là chuyện bình thường. “Logo là để xúc tiến du lịch, thiên về thị trường nước ngoài, chủ yếu thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Đặt logo Du lịch Việt Nam với logo du lịch nhiều nước trên thế giới, mình rất tự tin, tự hào về tác phẩm của mình” – Họa sỹ Trần Hoài Đức cho biết.
Trần Hoài Đức là họa sỹ đồ họa chuyên nghiệp - Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Anh là tác giả của Biểu trưng, Logo, Thương hiệu các Tỉnh, Thành phố, Tổ chức, Doanh nghiệp như:
Biểu trưng các tỉnh Lạng Sơn, Hà Tĩnh, Thành phố Tuyên Quang, Tỉnh Tuyên Quang, Biểu trưng Dân quân tự vệ Việt Nam. Logo Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108, Trường Đại học sư phạm Hà Nội 2. Măng-sét các báo (Tiêu đề Tên Báo): Nhi đồng, Tuổi trẻ Thủ đô, Bưu điện Việt Nam, Tạp chí Nhà Quản Lý. Logo Hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam (VEIA), Trung tâm Văn hóa Doanh nhân, Cửa khẩu Cầu Treo, Khách sạn Silk Path Hanoi…
Giải nhất Cuộc thi sang tác Slogan cho Tổng Công Ty Bến Thành (Benthanh Group), Đạt Giải nhất: Triển lãm tranh cổ động toàn quốc năm 2010 do Bộ VHTTDL tổ chức…
Theo: Ngọc Bảo-http://baodulich.net.vn/