Đang online: 9
Tổng số: 975,845
Các Cuộc thi Logo - Thương hiệu

Trò chuyện với tác giả hai lần đoạt giải sáng tác logo về Tuyên Quang

Trò chuyện với tác giả hai lần đoạt giải sáng tác logo về Tuyên Quang Trần Hoài Đức là họa sĩ ở Hà Nội nhưng rất có duyên với Tuyên Quang khi ông hai lần đoạt giải sáng tác logo về Tuyên Quang (logo Tỉnh Tuyên Quang và logo Thành phố Tuyên Quang). Nhân dịp năm mới, phóng viên Cổng Thông tin điện tử tỉnh có cuộc trò chuyện với Họa sĩ Trần Hoài Đức để hiểu rõ hơn về những cảm nhận của tác giả khi lên thăm và sáng tác logo về Tuyên Quang.
            

            Phóng viên:
 Khi sáng tác logo của Tuyên Quang, ông có dành thời gian tìm hiểu về lịch sử, đất và người Tuyên Quang nhiều không? Ông đã đi đến những địa danh nào của Tuyên Quang?

            Họa sĩ Trần Hoài Đức: Thời lượng cho việc tìm hiểu lịch sử, đất và người Tuyên Quang không giữ vai trò chính. Ở đây quan trọng nhất là những thông tin tôi chắt lọc được thông qua quá trình tìm đọc, suy ngẫm về Tuyên Quang. Quá trình sáng tác là một quá trình tương tác không ngừng giữa vốn sống, nguồn tư liệu và cảm hứng sáng tạo. Người hoạ sĩ đồ hoạ Logo – Biểu trưng là người chuyển ý tưởng từ “văn viết” sang “văn hình”. Rất may mắn là trong năm 2010, lần đầu tôi được đến thăm Tuyên Quang (cùng một số hoạ sĩ của Hội Mỹ thuật Việt Nam) trong đợt phát động sáng tác logo cho thành phố Tuyên Quang. Chuyến đi ngắn nhưng để lại trong tâm trí tôi một hình ảnh Tuyên Quang thật quyến rũ, một ấn tượng đẹp đẽ với mối tình cảm thật thân thiện, ấm áp từ những cuộc gặp gỡ với cán bộ, văn nghệ sĩ và người dân Tuyên Quang.

         Khu di tích Tân Trào, Đài tưởng niệm liệt sĩ Tuyên Quang và Tuyến đường cao tốc vào cửa ngõ thành Tuyên là những điểm đến mang lại những ấn tượng sâu đậm nhất với tôi về giá trị truyền thống lịch sử và khát vọng xây dựng một cuộc sống phồn thịnh của Tuyên Quang. Nó đem lại cho tôi một cảm hứng sáng tạo mạnh mẽ.

           Phóng viên: Ông có cảm nhận thế nào về Tuyên Quang? Trong quá trình sáng tác logo Tuyên Quang (hay trong những lần lên Tuyên Quang) ông có kỷ niệm sâu sắc khó quên nào không?

            Họa sĩ Trần Hoài Đức: Tôi thấy Tuyên Quang như một cô gái ăn vận gọn gàng, giản dị mà vẻ đẹp bừng lên bởi sức sống căng tràn cùng gương mặt dịu dàng, nhân hậu. Ấn tượng không thể phai mờ trong tôi là dịp được tham dự Lễ công bố thành lập thành phố Tuyên Quang. Ngày cả thành phố hân hoan, rực rỡ cờ hoa, ngày mà logo thành phố Tuyên Quang hiện hữu khắp chốn trong nắng thu trong vắt. Hình ảnh “Quê hương Cách mạng - Thủ Đô kháng chiến” được tái hiện bằng những màn nghệ thuật hát, múa, đồng diễn trong không khí của ngày hội. Tôi đặc biệt xúc động khi tác phẩm của mình được xuất hiện hoành tráng trong nhạc điệu của những khúc ca Cách mạng hào hùng, của những bản trường ca bất hủ mà tôi hằng ngưỡng mộ.

            Phóng viên: Trước đây ông đã sáng tác logo thành phố Tuyên Quang (logo được đánh giá rất cao), làm sao để logo tỉnh Tuyên Quang "vượt lên" so với logo thành phố Tuyên Quang?

          Họa sĩ Trần Hoài Đức:  “Nguyên liệu chính” để thiết kế cả hai logo đều là cây đa Tân Trào bởi đây là hình ảnh song hành cùng Khái niệm Tuyên Quang. Cây đa không nằm ở thành phố, tôi chỉ mượn hình ảnh thân của cây đa được tạo hình độc đáo nhằm đem đến một hình ảnh gợi lên dáng dấp của thành phố trẻ đang năng động, hăng hái vươn lên xây dựng và phát triển trên nền tảng những giá trị vàng son, rạng ngời từ một miền đất kết tinh văn hoá lâu đời, quê hương cách mạng - Thủ Đô Khu giải phóng - Thủ đô Kháng chiến. Để logo tỉnh Tuyên Quang khác biệt và vượt lên so với logo thành phố đòi hỏi tôi phải có những nỗ lực vượt bậc trong sáng tạo mới. Việc này ta hình dung nôm na như việc sáng chế ra món ăn mới và ngon từ một nguyên liệu thực phẩm quen thuộc vậy. Thân của cây đa trong logo mới được thể hiện như sức mạnh Cách mạng đang vươn toả, tượng trưng cho khối đại đoàn kết của nhân dân Tuyên Quang. Tôi chắc chắn rằng trong tâm khảm mọi người dân Việt Nam Cây Đa Tân Trào đã trở nên một huyền thoại bất tử, toả ánh hào quang chói lọi.

          Một hình ảnh đem lại sự khác biệt giữa hai logo (của thành phố và của tỉnh) là hình Đình Tân Trào. Hình ảnh này mang ý nghĩa tối quan trọng bởi Đình Tân Trào là nơi diễn ra Quốc dân Đại hội lịch sử. Dưới mái đình này đã phát đi “Quân lệnh số 1” đánh dấu thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám. Hơn nữa hình ảnh mái đình Tân Trào mang đường nét, dáng hình của những nếp nhà sàn thân thương của đồng bào Tuyên Quang - (Kiến trúc Đình Tân Trào ở Tuyên Quang rất khác biệt so với các đình ở đồng bằng Bắc bộ).

        Theo tôi, mỗi người tùy theo “phông văn hóa” của mình sẽ có những cảm nhận khác nhau trước cùng một logo. Khi tôi đã trao logo cho Tuyên Quang,  lúc đó logo có một đời sống tự thân, nó sẽ tự tỏa sáng bằng nội lực của mình cộng hưởng với văn hóa của người xem trở thành một giá trị tinh thần độc lập.

            Phóng viên: Có ý kiến cho rằng logo của tỉnh còn hơi "tham", ôm đồm, ông nghĩ sao về điều này? Ông có cảm thấy thời gian sáng tác logo tỉnh Tuyên Quang hơi gấp không và ông có tiếc nuối điều gì đối với tác phẩm logo tỉnh Tuyên Quang không?.

          Họa sĩ Trần Hoài Đức: Thời gian sáng tác theo tôi là vừa đủ, nếu để dài hơn e rằng sẽ bị quên đầu công việc hoặc không đạt được sự tập trung cần thiết. Trong các mẫu logo trưng cầu ý kiến nhân dân Tuyên Quang, Logo mẫu số 1 là thiết kế gốc tôi gửi dự thi ban đầu với 2 đặc điểm: không có hình sông Lô và ngôi sao vàng có cánh hơi mập (tôi tái hiện hình ngôi sao trong thời kỳ Cách mạng tháng Tám để nói lên ý nghĩa và hình ảnh truyền thống thông qua chi tiết tạo hình), logo này tôi đã cân nhắc kỹ để vẫn mang đầy đủ ý nghĩa nhưng tối giản nhất về tạo hình. Sau khi tỉnh trưng cầu ý kiến nhân dân, có rất nhiều người muốn có sông Lô trong logo tỉnh Tuyên Quang, nên tôi đã  thêm chi tiết sông Lô vào thiết kế logo. Tôi đã cố gắng bố trí các chi tiết để logo có bố cục tốt nhất về tạo hình. Tôi cũng đã thiết kế để  biểu trưng của tỉnh có một ngôn ngữ tạo hình (đường nét và màu sắc) mang tính chất sâu lắng hơn (“già” hơn) logo thành phố trẻ Tuyên Quang. Việc sử dụng các chi tiết tạo hình trong logo tỉnh cũng phong phú hơn logo của thành phố. Theo tôi điều quan trọng mà logo thành công đó là nó đã nói lên được niềm tự hào xứ sở của nhân dân Tuyên Quang.

            Phóng viênÔng có thể nhận xét một chút về quảng bá hình ảnh du lịch của Tuyên Quang hiện nay không? Ông sẽ góp sức mình quảng bá về quê hương cách mạng Tuyên Quang chứ?

          Họa sĩ Trần Hoài Đức: Việc quảng bá hình ảnh du lịch của Tuyên Quang gần đây đã làm rất tốt thông qua các sự kiện văn hóa, lễ hội rất thành công và để lại dấu ấn đậm nét, những trải nghiệm giá trị cho du khách. Nó tạo được không khí lạc quan yêu cuộc sống cho chính người dân bản địa, nâng cao giá trị Thương hiệu Du lịch Tuyên Quang góp phần làm đẹp cho cái tên Tuyên Quang. Điều này thật đáng ngợi khen cho sự nỗ lực, năng động và sáng tạo của các đồng chí lãnh đạo tỉnh nhà, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các cơ quan chức năng và mỗi công dân của Tuyên Quang. Mong rằng Tuyên Quang sẽ phát huy tốt những phẩm chất này, coi trọng sự phát triển bền vững, với những mục tiêu dài hạn để Tuyên Quang ngày càng xinh đẹp, mặn mà. Tôi đã, đang và sẽ tiếp tục giới thiệu với bạn bè của tôi  về một Tuyên Quang tươi đẹp, giàu bản sắc.                                                                                                                         

            *** TRẦN HOÀI ĐỨCBút danh HOÀIdesign ) là họa sỹ đồ họa chuyên nghiệp, Hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, là tác giả của nhiều tác phẩm đồ họa nổi tiếng. Đó là Logo, Thương hiệu của các Tỉnh, Thành phố, Tổ chức, Doanh nghiệp như: Biểu trưng các Tỉnh: Lạng Sơn (2009), Tuyên Quang (2012), Hà Tĩnh (2011), Thành phố Tuyên Quang (2010); Biểu trưng Dân quân tự vệ Việt Nam (2010), Bệnh viện Trung ương Quân Đội 108 (2010), Trường Đại học sư phạm Hà Nội 2 (2011); Măng-sét các Báo: Nhi đồng (1997-2010), Tuổi trẻ Thủ đô (2007), Bưu điện Việt Nam (2006); Tạp chí Nhà quản lý (2003), Logo: Hội Doanh nghiệp Điện tử Việt Nam – VEIA (2008), Trung tâm Văn hóa Doanh nhân (2004), Cửa khẩu Cầu Treo (2008), Khách sạn Silk Path Hanoi (2008)… Giải nhất Slogan của Benthanh Group (2009), Giải nhất: Triển lãm tranh cổ động toàn quốc năm 2010 do Bộ VHTTDL tổ chức; Giải nhất Logo Du lịch Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015 "Việt Nam - Timeless Charm” (Việt Nam- Vẻ đẹp bất tận)" ...

 Thèn Hương thực hiện
( Nguồn:http://www.tuyenquang.gov.vn/DetailView/1391/5/Tro-chuyen-voi-tac-gia-hai-lan-doat-giai-sang-tac-logo-ve-Tuyen-Quang.html )