Các Cuộc thi Logo - Thương hiệu
Tìm hiểu về biểu trưng tỉnh Hà Tĩnh
Ngày 25/4/2011, Ban Tổ chức cuộc thi sáng tác biểu trưng tỉnh Hà Tĩnh ra thông báo cuộc thi trên phương tiện thông tin đại chúng cho các hoạ sỹ, kiến trúc sư trong cả nước. Tỉnh Hà Tĩnh đã kết hợp với Hội Mỹ Thuật Việt Nam nên đợt phát động rất được hưởng ứng, chỉ trong thời gian 2 tháng số mẫu dự thi lên đến 250 của 110 tác giả gửi về.
Hội đồng xét chọn biểu trưng tỉnh Hà Tĩnh được thành lập, do ông phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh làm Chủ tịch Hội đồng, hai Phó chủ tịch là ông Trần Khánh Chương - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam và ông Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh. Những thành viên còn lại là các nghệ sỹ tạo hình đầu ngành của Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Tại Hà Nội vòng sơ khảo Hội đồng đã chọn 5 mẫu biểu trưng vào giải, đó là 4 hoạ sỹ ở Hà Nội, một hoạ sỹ ở Nghệ An. Những tác giả nói trên được Hội đồng góp ý nâng cao để tiếp tục chỉnh sửa sau đó đưa vào chung khảo. Tại vòng chung khảo Hội đồng đã chọn ra 3 tác phẩm đạt số phiếu cao nhất giới thiệu cho tỉnh. Đó là những biểu trưng có nội dung phong phú, hình thức đẹp, bảo đảm được những yêu cầu mà tỉnh đề ra.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạ sỹ ngoài việc cung cấp một số tài liệu cần thiết về Hà Tĩnh, Hội Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức để một số hoạ sỹ nòng cốt vào thâm nhập thực tế tại Hà Tĩnh. Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Hà Tĩnh đã tiếp và hướng dẫn đoàn đi những trọng điểm về văn hoá và kinh tế của tỉnh nhà. Đây là chuyến đi cần thiết và hiệu quả, 4 tác giả trong đoàn đã có biểu trưng lọt vào giải.
Chúng ta biết rằng biểu trưng đòi hỏi sự điển hình cao độ, nó không phải là một lý lẽ nhưng nó nằm trong một dòng lô gíc. Những tác phẩm được tuyển chọn yếu tố điển hình đặc thù là quyết định, yêu cầu thẩm mỹ là quan trọng, điều kiện thích dụng là cần thiết. Ba tác phẩm chọn cho biểu trưng tỉnh Hà Tĩnh mỗi cái đều có thế mạnh và ưu điểm mang tính đặc thù riêng biệt. Như vậy việc tiếp nhận biểu trưng loại trừ thái độ đứng nhìn, mà đòi hỏi thái độ nhập cuộc. Biểu trưng chỉ tồn tại ở bình diện chủ thể, nhưng trên cơ sở bình diện khách thể. Thái độ và sự tiếp nhận chủ quan đòi hỏi sự sở nghiệm nhạy cảm... Đặc tính của biểu trưng là mãi mãi gợi cảm đến bất tận; mỗi người thấy ở đấy cái mà năng lực thị giác của mình có thể nhận ra.
Mẫu biểu trưng có tượng đài chiến thắng và núi Hồng sông La cách điệu của tác giả Nguyễn Tuấn Khởi (Hà Nội) trình bày một nhãn quan thẩm mỹ về Hà Tĩnh với một khả năng khái quát đến tuyệt đối (ít sự kiện, ít màu, ít hình), ngôn ngữ đồ hoạ rõ nét và hiệu quả. Hình tượng núi Hồng sông La giản lược đến mức tận cùng nhưng vẫn toát lên khí thiêng sông núi đây là miền đất non xanh núi biếc - địa linh nhân kiệt. Trong một đường tròn mở độ cân bằng âm dương (sáng-tối) cho ta một cảm giác thăng bằng và bền vững. Những đường cong chạy đổi chiều từ ngoài vào cho cảm giác động, có chút gì đó gợi ta “đường vô xứ Nghệ quanh quanh”... Núi Hồng Lĩnh một biểu tượng Hà Tĩnh trong Anh đỉnh Triều Nguyễn được khái quát bằng những đường thẳng dứt khoát cho ta cảm nhận sự kiên cường, khảng khái, gan góc, của đất và người Hà Tĩnh. Hình ảnh tượng đài chiến thắng từ lâu đã đi vào lòng người Hà Tĩnh và cả nước cho ta một thông điệp cần và đủ (ví như tháp Apphen của Pháp, tượng thần tự do của Mỹ...). đó là biểu tượng chiến thắng cho nhiều lĩnh vực: Chính trị, Văn hoá, Giáo dục và cần hơn cả là kinh tế Hà Tĩnh thời hội nhập và cả sau này.
Khác với mẫu biểu trưng nói trên tác giả Trần Hoài Đức (Hà Nội) cho ra một biểu trưng với cách nhìn hàm chứa cả một tổ hợp (sự kiện, hình và màu). Với trung tâm và ngọn bút lông, bông sen và trang sách. Ngọn bút nói lên đây là vùng đất địa linh nhân kiệt. Trang sách nói lên Hà Tĩnh là vùng đất nổi tiếng về học hành, khoa cử, văn chương. Bông sen tượng trưng cho vẻ đẹp sang trọng, phẩm chất con người Hà Tĩnh cao quý đồng thời cũng gợi lên cái tên: Thành Sen. Nền của bông sen là hình ảnh núi Hồng, đó là những hình ảnh tiêu biểu trong ký ức mọi người khi “nhớ về Hà Tĩnh”. Đây là biểu trưng dùng 5 màu để thể hiện:
- Màu trắng của Sen tượng trưng cho sự cao quý, thanh khiết.
- Màu ghi tượng trưng cho trí tuệ.
- Màu đỏ tượng trưng cho màu cờ Việt, cho lòng nhiệt thành.
- Màu đỏ sẫm (núi phía sau) tượng trưng cho sự kết tinh của các giá trị truyền thống.
- Màu xanh tượng trưng cho những nỗ lực phát triển mới của tỉnh Hà Tĩnh.
Biểu trưng thứ 3 của tác giả Nguyễn Duy Lâm (Hà Nội). Biểu trưng lấy Hoành Sơn Quan và cuốn sách mở rồng làm hình tượng chính ở phía trước, lấy núi Hồng Lĩnh và sông La làm bối cảnh phía sau, Hoành Sơn Quan tượng trưng cho những danh thắng và đặc điểm địa lý của địa phương. Cuốn sách mở rộng tượng trưng cho tinh thàn hiếu học và truyền thống Văn hoá của nhân dân Hà Tĩnh. Núi Hồng sông La tượng trưng cho miền đất địa linh nhân kiệt nổi tiếng trong cả nước. Bao quanh biểu trưng là hai nhành lá hướng lên ngôi sao 5 cánh tượng trưng cho sự tôn vinh, niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân đối với thành quả về xây dựng và phát triển tỉnh Hà Tĩnh.
Ba biểu trưng trình bày tóm lược nội dung, hình thức và ý đồ sáng tạo của 3 tác giả được Hội đồng xét chọn biểu trưng tỉnh Hà Tĩnh xem xét kỹ lưỡng đóng góp nhiều ý kiến cả về nội dung lẫn hình thức để đi đến sự hoàn chỉnh giúp cho Hà Tĩnh chọn một trong 3 cái lấy làm biểu trưng tỉnh Hà Tĩnh, trước mắt là phục vụ ngày Đại Lễ kỷ niệm 180 năm ngày thành lập tỉnh Hà Tĩnh và 20 năm ngày tách tỉnh. Với góc độ chuyên môn chúng tôi trân trọng giới thiệu để đông đảo quần chúng nhân dân và lãnh đạo tỉnh nhà được biết..
(HaTinhOnline)